TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Tranh chấp bản quyền Flyknit: Cuộc chiến mới giữa Nike và Adidas

Cập nhật: 22/12/2021 | 7:25:56 AM

(PLBQ). Một cuộc chiến mới giữa hai ông lớn ngành thời trang là Nike và Adidas đang diễn ra. Mới đây, hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới Nike (Mỹ) đã yêu cầu Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ ngăn chặn việc nhập khẩu các mẫu giày Adidas AG Primeknit.

>> Tranh chấp pháp lý về tên “Omicron” và câu chuyện đặt tên thương mại

>> Nhãn hiệu trà xanh NODOKA của Nhật Bản tạo sức hút lớn trên thế giới

>> Facebook đổi tên, bước đi để xoay chuyển tình thế thương hiệu

Cụ thể, Nike Inc. đã yêu cầu Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ ngăn chặn việc nhập khẩu các mẫu giày Adidas AG Primeknit với lý do mẫu giày này đã sử dụng loại chất liệu giống với sáng chế được đầu tư nghiên cứu bởi Nike đã đăng ký độc quyền công nghệ, nhằm giúp thời trang trở nên bền vững hơn bằng cách giảm thiểu chất thải ra môi trường. Đơn khiếu nại, được đệ trình hôm thứ Tư (08/12/2021) tại Ủy ban Thương mại Quốc tế ở Washington, ngăn việc nhập khẩu các mẫu giày Adidas của Stella McCartney Ultraboost, Pharrell Williams Superstar Primeknit Shoes và giày đi bộ Terrex Free Hiker. Nike cũng đã đệ đơn kiện vi phạm bằng sáng chế lên tòa án liên bang ở Oregon với cáo buộc tương tự.

Flyknit - Sáng tạo công nghệ của Nike

Flyknit là sáng tạo công nghệ từ Innovation Kitchen của Nike (Innovation Kitchen - Bếp sáng tạo, là nơi nghiên cứu, thử nghiệm và phát minh ra các công nghệ thể thao của Nike, ví dụ như Nike Free, Lunarlon, Flywire, Hyperfuse…). Cảm hứng tạo ra Flyknit đến từ mong mỏi của các vận động viên khao khát có được một đôi giày có những đặc tính như đôi vớ: mềm, nhẹ, ôm sát chân, không gây ra bất cứ khó chịu nào khi mang.

Sáng kiến FlyKnit của Nike sử dụng sợi chuyên dụng từ các vật liệu tái chế để tạo ra phần upper (tức phần thân trên của giày). Nike cho biết đây là kết quả của hơn 100 triệu đô la và một thập kỷ nghiên cứu - hầu như tất cả đều được thực hiện ở Mỹ - và “đại diện cho sự đổi mới công nghệ lớn đầu tiên trong ngành giày dép trong nhiều thập kỷ”.

"FlyKnit được giới thiệu lần đầu tiên trước Thế vận hội London 2012 và đã được ngôi sao bóng rổ LeBron James, siêu sao bóng đá quốc tế Cristiano Ronaldo và vận động viên marathon Eliud Kipchoge sử dụng”, Nike dẫn chứng trong đơn khiếu nại.

Đôi giày FlyKnit (Ảnh: Wiki)

“Không giống như Nike, Adidas đã từ bỏ sự đổi mới độc lập”, Nike cho biết trong một đơn kiện. “Thay vào đó, Adidas đã trải qua một thập kỷ không thành công khi thách thức một số bằng sáng chế của Nike hướng đến công nghệ FlyKnit - tất cả đều sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Nike mà không được phép”.

Nike cho biết họ “buộc phải thực hiện hành động này để bảo vệ các khoản đầu tư vào đổi mới nhằm bảo vệ công nghệ của mình bằng cách ngăn chặn việc sử dụng trái phép của Adidas”.

Primeknit - Niềm tự hào của Adidas

Đứng trước khiếu nại trên, Adidas cho biết họ đang phân tích đơn và “sẽ tự bảo vệ mình trước các cáo buộc”. Mandy Nieber, phát ngôn viên của Adidas, cho biết: “Công nghệ Primeknit của chúng tôi là kết quả của nhiều năm nghiên cứu chuyên dụng và cho thấy cam kết của chúng tôi về tính bền vững”.

Theo Mandy Nieber , quá trình phát triển ra Primeknit bắt đầu từ năm 2010, khi đội ngũ kĩ sư nằm trong tổ nghiên cứu Adidas đã cùng dự một hội trợ về công nghệ có tên là Techtextil tại Frankfurt, Đức. Trong buổi hội trợ này, họ tình cờ được trông thấy một đôi găng tay đan sản xuất từ chất liệu nhựa dẻo rất linh hoạt được trình chiếu trên màn hình. Điều đó khơi nguồn cảm hứng để các kĩ sư tài năng nảy ra ý tưởng về một chất liệu vải đan linh hoạt, thời trang mà vẫn thoáng mát bền bỉ.

Các kĩ sư đã đem ý tưởng trên tới trình bày với Hermann Deininger - Giám đốc mảng Marketing của Adidas. Ý tưởng về những đôi giày làm từ vải sợi đan lập tức gây ấn tượng mạnh với Hermann, ông cho thành lập một dự án đặc biệt để phát triển công nghệ Primeknit nhằm cho ra đời thành phẩm sau cùng.

Thành phẩm từ dự án phát triển Primeknit thành công tới mức Adidas tự hào dùng mẫu giày đầu tiên dùng loại vải này để sản xuất Adizero Primeknit - phiên bản giày giới hạn đặc biệt dành cho Thế vận hội mùa hè Olympic 2012. Hiện Primeknit đang được ứng dụng để sản xuất nhiều dòng sneaker mang thương hiệu Adidas trên thị trường, góp phần giúp thương hiệu đồ thể thao Đức củng cố vị trí vững chắc hiện nay.

Cuộc chiến bản quyền không hồi kết

Tóm lại, Flyknit (của Nike) và Primeknit (của Adidas) đều là hai công nghệ sản xuất giày với phần upper được làm chủ đạo từ chất liệu dệt với những điểm gia cố nhằm đảm bảo sự nhẹ nhàng, độ ôm nhưng đồng thời vẫn tạo nên cấu trúc vững chắc cho giày. Flykit và Primeknit đồng loạt được ra mắt vào năm 2012, nhưng Nike đã đi nhanh hơn một bước với việc ra mắt sản phẩm trước và được cấp bằng sáng chế ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc chiến đầu tiên giữa Flyknit và Primeknit từng được "nổ súng" bởi Nike, với việc kiện lên tòa án ở Đức (nơi Primeknit được sản xuất và phát hành vào thời điểm đó) - yêu cầu ngưng vĩnh viễn việc sản xuất dòng sản phẩm Primeknit tại đây. Kết quả cuối cùng, chính Flyknit đã bị tước bằng sáng chế tại Đức (với việc Adidas đưa ra những bằng chứng cho thấy rằng công nghệ Flyknit mà Nike đăng ký bằng sáng chế thực chất đã có trong những bằng sáng chế trước đó).

Theo sau đó, Adidas Primeknit dần được mở rộng và phát hành tại nhiều nơi trên thế giới hơn. Điều này dẫn đến những xung đột tiếp theo giữa cả hai. Nhằm ngăn chặn việc tương tự tại Đức có thể tái diễn, Adidas đã chủ động có những hành động nhằm hủy bỏ bằng sáng chế Flyknit của Nike tại Mỹ.

Khởi đầu vào tháng năm 2012, Adidas đã gửi những yêu cầu đến Patent Trial and Appeal Board (một đơn vị có chức năng giải quyết các vấn đề pháp lý đối bằng sáng chế tại Mỹ) nhằm xem xét về giá trị hiệu lực của bằng sáng chế Flyknit của Nike. Cụ thể về cuộc chiến này khá phức tạp, với những lần phán quyết và sau đó lại là kháng cáo từ cả 2 phía Adidas lẫn Nike.

Sở dĩ lần này, đơn kiện của Nike được gửi đến trực tiếp Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ được cho là vì Ủy ban này xử lý đơn kiện nhanh hơn so với các tòa án, các quyết định cuối cùng thường được đưa ra trong 15 đến 18 tháng. Phán quyết có thể ngăn chặn các sản phẩm ở biên giới Hoa Kỳ và áp dụng cả với những sản phẩm đã và đang được bán./.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Hà Trung

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề