TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Ranh giới “mong manh” giữa Nhập khẩu song song và Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhìn từ vụ việc KINGMAX

Cập nhật: 9/8/2021 | 8:46:02 AM

(PLBQ). Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu, việc xác định là Hàng hóa thuộc trường hợp nhập khẩu song song hay giả mạo nhãn hiệu còn nhiều quan điểm trái chiều.

>> Từ vụ tranh chấp nhãn hiệu Mioskin: Chuyên gia pháp luật bình luận và đưa ra khuyến cáo gì cho các Doanh nghiệp ?

>> Phân biệt hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

>> Lo ngại hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng, Luật sư nêu nhiều khuyến cáo tới các Doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Vụ việc Công ty TNHH phát triển kỹ thuật ứng dụng Viễn Sơn (Công ty Viễn Sơn) bị xử phạt hành chính về hành vi “Nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” là một ví dụ điển hình.

Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Chí Đức (Công ty Chí Đức) nhập khẩu từ HongKong vào Việt Nam lô hàng bộ nhớ RAM mang nhãn hiệu “KINGMAX", do Công ty Kingmax Semiconductor Inc (Công ty Kingmax) có trụ sở tại Trung Quốc, sản xuất để bán trên thị trường.

Công ty Viễn Sơn là doanh nghiệp Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá (GCNĐKNHHH) số 13488 từ ngày 05/04/2006 bảo hộ nhãn hiệu “KINGMAX” cho sản phẩm bộ nhớ máy vi tính và máy vi tính thuộc Nhóm 09.

(Thông tin tra cứu tại Website của Cục sở hữu trí tuệ)

Khi phát hiện Công ty Chí Đức nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX”, Công ty Viễn Sơn đã yêu cầu cơ quan chức năng không làm thủ tục nhập khẩu và thông quan. Theo đó, cơ quan hải quan đã quyết định tạm dừng thông quan đối với lô hàng để xem xét, xử lý, buộc Công ty Viễn Sơn phải giải trình về nguồn gốc, tính hợp pháp của lô hàng trên.

Điều đáng chú ý trong vụ việc này, Công ty Chí Đức không chứng minh được nguồn gốc và tính hợp pháp của việc nhập khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX” nêu trên, vì vậy hàng hóa đã bị tịch thu.

Sau đó, Công ty Chí Đức đã bị UBND thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 13488 ngày 05/04/2006 của Công ty Viễn Sơn theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp.

Mấu chốt của tranh chấp?

Công ty Kingmax là nhà sản xuất các sản phẩm máy tính mang nhãn hiệu “KINGMAX” trên toàn thế giới. Công ty Viễn Sơn là nhà phân phối độc quyền sản phẩm mang nhãn hiệu “KINGMAX” tại Việt Nam.

Mấu chốt của tranh chấp là Công ty Kingmax thực hiện việc sản xuất hàng hóa, tuy nhiên không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này tại Việt Nam, mà lại phân phối sản phẩm thông qua kênh nhập khẩu của các đại lý. Trong khi đó, Công ty Viễn Sơn lại là chủ sở hữu nhãn hiệu “KINGMAX” tại Việt Nam. Chính điều này đã tạo ra xung đột quyền sở hữu trí tuệ khi Công ty Chí Đức nhập hàng cũng cùng nhãn hiệu “KINGMAX”  để kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Công ty Viễn Sơn cho rằng, Công ty Chí Đức đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “KINGMAX”. Trong khi đó, những quan điểm bảo vệ Công ty Chí Đức lại cho rằng, đây là hành vi nhập khẩu song song hàng hóa mang nhãn hiệu “KINGMAX” và được pháp luật cho phép.

Hàng hóa nhập khẩu song song hay giả mạo nhãn hiệu?

Căn cứ Điều 18 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp thì Nhập khẩu song song được hiểu là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài một cách hợp pháp, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

Trong khi đó, theo quy định Khoản 2 Điều 213 Luật SHTT thì “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”.

Mặc dù, Công ty Chí Đức đã bị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phạt hành chính về hành vi “Nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”, nhưng trong vụ việc trên, việc xác định hành vi của Công ty Chí Đức vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

  • Quan điểm 1 cho rằng:

Nhãn hiệu “KINGMAX” đã được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Viễn Sơn theo GCNĐKNHHH số 13488 ngày 05/04/2006. Do đó, nếu Công ty Chí Đức nhập khẩu sản phẩm gắn nhãn hiệu “KINGMAX” không phải do Công ty Viễn Sơn hay người được Công ty Viễn Sơn cho phép đưa ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt về hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

  • Quan điểm 2 cho rằng:

Mặc dù, theo quy định pháp luật, bất kỳ bên thứ ba nào có hành vi sử dụng nhãn hiệu mà không được phép của chủ sở hữu đều bị coi là xâm phạm quyền. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng quy định một số trường hợp ngoại lệ.

Cụ thể, theo điểm b Khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không được ngăn cấm “Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”.

Theo đó, pháp luật về Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho phép việc nhập khẩu song song các hàng hóa, sản phẩm mang đối tượng SHTT với điều kiện:

  • Đó là sản phẩm do chính chủ sở hữu của đối tượng SHTT đó đưa ra thị trường.
  • Hoặc cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu đó cho phép đưa ra thị trường.

Nếu thuộc một trong hai trường hợp trên, hành vi nhập khẩu song song sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điều này có nghĩa là sau khi sản phẩm mang nhãn hiệu đã được đưa ra thị trường một cách hợp pháp bởi chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền tiến hành các hoạt động thương mại (mua bán, lưu thông, nhập khẩu) sản phẩm đó mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu và hành vi này không bị coi là hành vi xâm phạm quyền.

Như vậy, trong vụ việc nhập khẩu lô hàng bộ nhớ Ram từ HongKong vào Việt Nam trên, nếu Công ty Chí Đức chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu là chính hãng, được đưa ra thị trường một cách hoàn toàn hợp pháp thì sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không bị xử phạt hành chính.

Vì tồn tại hai quan điểm trên, một câu hỏi được đặt ra là: “Khi người nhập khẩu chứng minh được rằng nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa một cách trung thực và đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan đến việc xuất nhập khẩu tại nước xuất xứ và tại nước sở tại thì áp dụng quy định về nhập khẩu song song hay hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu?”. Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, câu hỏi trên vẫn là một bài toàn khó chưa có lời giải.

Khuyến cáo cho doanh nghiệp

Có một tồn tại là, khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu rất ít quan tâm đến yếu tố sở hữu trí tuệ, mà quan tâm nhiều hơn đến bản thân hàng hóa nhập khẩu. Do đó, trong nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu không dễ dàng chứng minh được hàng hóa đưa ra thị trường bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc từ bên được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Chính vì vậy, việc lưu ý đến các vấn đề sở hữu trí tuệ là đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ đối tác nước ngoài.

Kiến nghị

Các tranh chấp về nhãn hiệu đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy việc áp dụng pháp luật để đánh giá một hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong cùng một vụ việc còn chưa có sự thống nhất, nhiều ý kiến trái chiều.

Từ vụ việc trên, kiến nghị pháp luật cần có quy định cụ thể về nhập khẩu song song đối với nhãn hiệu. Cụ thể, việc nhập khẩu song song phải được thừa nhận khi xác định nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu là chính hãng, được đưa ra thị trường một cách hợp pháp và chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp tại nước nhập khẩu không có quyền ngăn cấm hàng hóa lưu thông.

Cùng một hành vi nhưng lại tồn tại nhiều quan điểm khác nhau sẽ gây khó khăn cho việc thực thi và áp dụng pháp luật, ảnh hưởng vô cùng lớn đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức đang tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp. Chính vì vậy, để phù hợp với mục tiêu phát triển và xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với nhãn hiệu nói riêng.

Vụ việc Công ty Chí Đức bị xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa mang nhãn hiệu “KINGMAX” là bài học xương máu dành cho mọi doanh nghiệp. Đặc biệt, những pháp nhân có ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu cần lưu ý, quan tâm hơn tới vấn đề sở hữu trí tuệ khi thực hiện ký kết hợp đồng.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Kỳ Anh

 

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề