TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Làm thế nào để các Diễn đàn đọc sách truyện online bảo vệ quyền của nhà văn

Cập nhật: 15/11/2021 | 8:10:05 AM

(PLBQ). Bảo vệ quyền tác giả khi trên nền tảng số luôn là được nhiều nhà văn quan tâm. Các tác giả nên làm gì để tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường số? Dưới đây là câu chuyện ở một diễn đàn đọc sách trực tuyến và một số đề xuất giúp các diễn đàn đọc sách trực tuyến ở Việt Nam phát triển song song với bảo vệ quyền tác giả trong tương lai.

>> Các vấn đề pháp lý trong vụ việc tranh chấp bản quyền cuốn sách “trò truyện với cõi vô hình”

>> Quyền tác giả sẽ ảnh hưởng thế nào đến phim “Trạng Tí” sắp lên sóng ? Chuyên gia khuyên các bên điều gì?

>> Trách nhiệm pháp lý của cơ sở in ấn trong việc sử dụng tên sách không đúng tác phẩm gốc

Khi hacker là một fan chân chính

Qidian (Khởi điểm) là web đọc sách, truyện Online lớn nhất Trung Quốc với nhiều đầu sách, truyện, tiểu thuyết... thuộc nhiều thể loại khác nhau từ võ hiệp, tiên hiệp đến trò chơi, ngôn tình… Với sự tham gia sáng tạo của đông đảo các tác giả và thu hút hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày.

Diễn đàn đọc sách, truyện của Qidian

Vào tối ngày 30/10/2021, một cuốn tiểu thuyết mạng có tên là "Tôi bị điên" của Giả Tịnh Văn trên trang web Qidian được nữ tác giả thông báo ngừng cập nhật. Với lý do hết sức thú vị là cốt truyện cần được thay đổi theo gợi ý mới của một tên hacker.

Theo dõi tiểu thuyết trong thời gian gần đây, vị hacker này cho rằng cốt truyện đang dần tệ hơn và không hấp dẫn mình nữa. Hơn nữa, hacker nuối tiếc với số tiền đã mua để đọc cuốn tiểu thuyết nói trên, nên đã dùng kỹ năng đánh cắp thông tin để lẻn vào tài khoản của tác giả. Sau đó, tên này đã tìm đến nơi tác giả để bản thảo và nội dung chính của cuốn tiểu thuyết, hacker đã thay đổi sắp xếp nội dung cho phù hợp với ý của hắn và thậm chí viết thêm nội dung cho cốt truyện mới dài tới... 20.000 chữ.

 

Cuốn tiểu thuyết “ Tôi bị điên” trên trang web Qidian

Sau khi thực hiện hành động xâm nhập tài khoản của tác giả, tên hacker còn cẩn thận để lại tin nhắn: "Tôi không biết (bạn) đang viết cái gì gần đây. Tôi cảm thấy tiếc cho đăng ký của mình, vì vậy tôi đã lẻn vào và đánh cắp tài khoản của bạn."

"Tôi đã thay đổi các chương cho bạn, nhưng tôi không thể sửa chữa một số tình tiết không hợp lý, và tôi đã sắp xếp lại đề cương cho bạn, không cần cảm ơn."

Tay hacker còn tận tâm tư vấn cho nữ tác giả các biện pháp để bảo vệ tài khoản ngân hàng và bật tường lửa cho giúp nữ tác giả bảo mật tài khoản của mình hơn: "Số tài khoản, mật khẩu và mật khẩu của bạn quá dễ đoán. Ít nhất hãy đổi nó thành một thứ phức tạp hơn. Ngoài ra, phần mềm đang treo trên máy tính nhưng tường lửa chưa được bật. Đừng lo, tôi sẽ cài đặt cho bạn, cũng không cần cảm ơn. Đừng lộn xộn bấm vào các đường link lạ trên điện thoại, cẩn thận kẻo lại bị đánh cắp, đồ ngốc!"

Phản hồi về sự cố này, nữ tác giả Giả Tịnh Văn rất biết ơn tên hacker mặc dù đã gây cho cô chút tức giận. Bên cạnh đó, cô sẽ đọc lại chi tiết cốt truyện và dàn ý do ông trùm hacker viết để cân nhắc thay đổi cho các chương tiếp theo của truyện.

Vào chiều ngày 1/11, nữ tác giả Giả Tịnh Văn cho biết trong thông báo mới của mình, nói rằng sẽ phát hành nội dung tiếp theo, nhưng chỉ có hai chương. Đồng thời, cô cũng lên tiếng cảm ơn "hacker đại thần", bởi sau khi sắp xếp và sửa lại những thứ do tin tặc này để lại, tác giả nhận ra nhiều ý kiến ​​của vị đại thần này thực sự khiến cô không thể phản bác lại và bị thuyết phục.

Ở Việt Nam có những Diễn đàn đọc truyện Online nào?

Mặc dù các diễn đàn sách, truyện trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển, xong một lượng không ít độc giả và nhà văn đã quan tâm và tham gia các diễn đàn sách, truyện Online. Một vài diễn đàn tiêu biểu như: Wattpad, Webtruyen, diendanlequydon.com….

Diễn đàn đọc truyện wattpad

Ngoài các diễn đàn trực tuyến kể trên nhiều Nhà xuất bản (NXB) cũng phát triển và cho ra mắt các ứng dụng đọc sách trực tuyến như Waka của NXB Kim Đồng, STBook của NXB Chính trị quốc gia Sự thật... là những kênh chính thống cho độc giả trải nghiệm.

Trong tương lai gần, với xu hướng số hóa các nội dung tác phẩm văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Các diễn đàn trực tuyến nói trên sẽ có nhiều cơ hội phát triển và được nhiều người biết đến hơn. Các NXB văn học cũng sẽ có những thay đổi để thu hút nhiều độc giả quan tâm đến các sản phẩm của mình thông qua internet. Kéo theo đó là những rủi ro cho các tác giả khi công khai thông tin tác phẩm của mình trước công chúng. Về phía người dùng, họ sẽ cần bảo vệ tài khoản của mình đăng ký theo dõi các gói truyện trực tuyến, tránh để kẻ xấu đánh cắp dữ liệu, đánh cắp tài khoản.

Ứng dụng ST Book của NXB Chính trị quốc gia sự thật

 

Ứng dụng Waka  của NXB Kim Đồng

Một số đề xuất giúp các Diễn đàn sách ở Việt Nam phát triển song song với việc bảo hộ quyền tác giả

Các diễn đàn sách, truyện trực tuyến nên thành lập công ty có địa chỉ văn phòng cụ thể để tạo uy tín, niềm tin cho các tác giả có thông tin để trao đổi, được hỗ trợ những băn khoăn, lo lắng của họ

Bên cạnh đó, các diễn đàn trực tuyến cần xây dựng hệ thống bảo mật thông tin an toàn, hệ thống xử lý thông tin, xử lý sự cố với các công nghệ bảo mật hiện đại cũng giúp gia tăng số lượng người dùng, bảo vệ tài khoản cho các nhà văn khi bị kẻ xấu xâm nhập.

Các điễn đàn cần xây dựng đội ngũ nhân sự có hiểu biết về luật sở hữu trí tuệ và có ban bảo vệ quyền tác giả để tiếp nhận, xử lý sai phạm của thành viên diễn đàn, ngăn không cho những hành vi sao chép, sử dụng lại tác phẩm khi chưa được phép của tác giả.

Mặc dù, quyền tác giả cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật được pháp luật bảo hộ tự động mà không cần phải đăng ký. Tuy nhiên, các tác giả nên chủ động xác lập quyền tác giả của mình trước khi đưa tác phẩm lên môi trường số bằng cách tiến hành thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận Quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả, để dễ dàng chứng minh và giải quyết khi có tranh chấp.

Các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, điều chỉnh, thay đổi và ban hành thêm các quy định để bảo hộ quyền tác giả trên môi trường số. Hiện nay, quy định của Luật sở hữu trí tuệ vẫn chưa làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến quyền tác giả trên môi trường internet ví dụ như những ngoại lệ của quyền sao chép (thư viện đăng tải các tác phẩm lên kho ứng dụng số riêng) hay những hành vi nào trên môi trường số bị coi là xâm phạm quyền tác giả, các biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số…

Ngoài ra, về phía các tác giả, khi tham gia các diễn đàn hoặc hợp tác với nhà xuất bản các tác giả nên ký các hợp đồng thỏa thuận giới hạn quyền, nghĩa vụ các bên, phạm vi quyền tác giả để bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số tốt hơn.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Phan Quyết

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề