TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Làm giả đặc sản nổi tiếng, nhìn từ vụ việc bánh cốm Nguyên Ninh

Cập nhật: 1/12/2021 | 8:13:33 AM

(PLBQ). Vụ việc làm giả bánh cốm, bánh phu thê mang nhãn hiệu Nguyên Ninh, đặt ra vấn đề về tính hiệu quả quy định về bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam hiện nay.

Thương hiệu bánh cốm đặc sản Nguyên Ninh. Ảnh: Fanpage Bánh cốm Nguyên Ninh - Chính gốc số 11 Hàng Than

>> Ranh giới “mong manh” giữa Nhập khẩu song song và Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhìn từ vụ việc KINGMAX

>> Giả mạo nhãn hiệu hợp pháp từ vụ việc Supreme

>> Kết quả mở rộng vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả

Tại hiện trường vụ việc ở tỉnh Hà Nam, cơ quan Công an đã thu giữ lên tới 525 hộp bánh các loại đang được gắn mác nhãn hiệu Nguyên Ninh, hơn 700 kg vỏ hộp bánh các nhãn hiệu bao gồm cả nhãn hiệu khác như Bảo Minh, Tiên Dung...

Nhãn hiệu Nguyên Ninh – đặc sản bánh cốm đang được pháp luật bảo hộ nhãn hiệu

Từ bao đời nay, cốm đã trở thành một phần của mùa thu ở đồng bằng sông Hồng, với tiếng giã cốm suốt ngày đêm. Quá trình làm cốm đòi hỏi kỹ năng (và đôi khi cả nghệ thuật), được hoàn thiện dần dần qua nhiều thế hệ. Vị thơm nhẹ hòa quyện với vị ngọt của hỗn hợp đường và vị bùi bùi của dừa tươi. Tất cả đều tạo nên một hương vị mà chỉ những quán bánh cốm truyền thống mới có thể tạo ra được[1]

Thương hiệu bánh cốm Nguyên Ninh tại dốc Hàng Than đã có hơn 150 năm hình thành và phát triển. Phố Hàng Than xưa kia thuộc làng Yên Ninh tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội cũ. Cái tên Nguyên Ninh được đặt cho thương hiệu bánh này với hàm ý là bánh cốm chính gốc của làng Yên Ninh.

Trong bối cảnh hội nhập, bánh cốm Nguyên Ninh cũng được nhiều du khách gần xa biết đến hơn. Đi kèm với cơ hội phát triển là những thách thức đến từ vấn nạn làm giả hàng hóa. Nhiều đối tượng cũng làm bánh, rồi gắn nhãn mác “Bánh cốm Nguyên Ninh”, hòng đánh lừa khách hàng bánh cốm Nguyên Ninh. Điều này khiến cửa hàng truyền thống chính gốc cũng cần sự bảo vệ của pháp luật thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Khi tra cứu nhãn hiệu bánh cốm “Nguyên Ninh” trên trang thông tin của Cục sở hữu trí tuệ, thì thấy rằng nhãn hiệu đã được bảo hộ theo dạng hình. Trong đó, phần chữ “NGUYÊN NINH”; và chữ tiếng Hán là dấu hiệu chủ đạo

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái đều có in chữ Hỷ (喜) trên bao bì. Chỉ có bánh cốm Nguyên Ninh thật là không có chữ Hỷ. Chữ Hán trên bao bì hộp bánh là (寧 原), có nghĩa gốc là Yên Ninh.

Nhãn hiệu Nguyên Ninh được cấp văn bằng số: 4-0014308-000, ngày 17/11/1994, có thời hạn đến ngày 12/04/2024, nhóm 30 với sản phẩm cốm.

Như vậy, hiện tại, nhãn hiệu “Nguyên Ninh” đang trong thời hạn bảo hộ, cho nên mọi hành vi làm giả, làm nhái đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhãn hiệu “Nguyên Ninh”, Cục Sở hữu trí tuệ

Làm giả đặc sản bánh cốm Nguyên Ninh để trục lợi

Tại cơ quan chức năng, hai đối tượng trong vụ việc làm giả bánh cốm ở Hà Nam khai nhận vì biết rằng bánh cốm và bánh phu thê mang thương hiệu Nguyên Ninh nổi tiếng, cho nên đã mở xưởng sản xuất, gắn nhãn hiệu này vào thành phẩm để bán hàng kiếm lời.

Đây không phải lần duy nhất thương hiệu Bánh cốm Nguyên Ninh bị làm giả, làm nhái. Hiện nay, còn hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh khác đang núp bóng sau những website, bài viết trên mạng xã hội để bán, trục lợi từ việc nhái nhãn hiệu này.

Thực hiện tìm kiếm với từ khóa bánh cốm Nguyên Ninh trên công cụ Google hay Facebook hàng trăm kết quả bài viết, website được tìm thấy. Các website này có tên miền dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như: “nguyenninh.vn”, “banhcomnguyenninh.com.vn”, “nguyenninh.net”... Tuy nhiên, cơ sở sản xuất Nguyên Ninh chính gốc hiện không bán hàng trên website, cũng không đưa sản phẩm lên các kênh phân phối, sàn giao dịch điện tử. Người muốn mua bánh thường phải đến trực tiếp tại cửa hàng ở số 11 Hàng Than, hoặc thuê ship để mua hàng.

Thậm chí, khi đi dọc tuyến phố Hàng Than có nhiều cửa hàng cũng buôn bán bánh cốm nhãn hiệu bánh cốm Nguyên Ninh. Các biển hiệu, sản phẩm được trưng ngày tràn lan nhằm thu hút sự chú ý của các thực khách, nhất là những người lần đầu tìm đến thưởng thức hương vị đặc sản Hà Nội này. Trên các hội nhóm mạng xã hội, còn có những bài viết chia sẻ cảm giác bức xúc khi mua phải hàng nhái sản phẩm chính thống. Đa số các người mua hàng lâu năm đều chia sẻ chất lượng bánh tại cơ sở chính thống được duy trì qua nhiều thế hệ và hơn hẳn các cơ sở làm nhái khác. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cửa hàng cũng tạm ngừng sản xuất kinh doanh chứ không sản xuất tràn lan để duy trì lợi nhuận.

Một người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm mua phải bánh cốm Nguyên Ninh giả.

Mặc dù vậy, nhìn nhận phương thức kinh doanh mang tính truyền thống của Nguyên Ninh cũng là cơ hội cho các đối tượng khác trục lợi. Cụ thể như việc không cho mặc cả, không giảm giá, không giao hàng tận nơi, không quảng cáo rộng hay không thiết lập chuỗi cửa hàng, đại lý. Lợi dụng chính sự cứng nhắc này, các đối tượng làm giả điều chỉnh cách bán hàng linh hoạt và phù hợp với xu thế như chấp nhận giảm giá khuyến mại, miễn phí và giao hàng tận nơi cho khách, quảng cáo và bán hàng từ nhiều kênh website, mạng xã hội. Như vậy, có thể thấy cùng một sản phâm sản phẩm hàng hóa nhưng đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẽ chiếm được nhiều ưu thế. Đặt ra câu hỏi, pháp luật quy định như thế nào nhằm bảo hộ nhãn hiệu, đặc biệt là các nhãn hiệu sử dụng cho đặc sản địa phương, vùng miền.

Một số nguyên nhân khác

Trong vụ việc làm giả bánh cốm, bánh phu thê nhãn hiệu Nguyên Ninh, có thể thấy nhiều vấn đề xung quanh việc bảo hộ nhãn hiệu là đặc sản địa phương, như: vấn nạn về hàng giả, hàng nhái; nhái thương hiệu trên website, mạng xã hội; quảng cáo sai sự thật về nguồn gốc hàng hóa; hiệu quả công tác thực thi pháp luật; ... Tuy nhiên, nổi cộm lên trong vụ việc là vấn nạn về hàng giả, hàng nhái và hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Vấn nạn hàng giả trên thị trường

Trong nền kinh tế đang hội nhập như nước ta, sự gia tăng của hàng lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm ngăn chặn con đường phát triển của cá nhân, doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù quy mô sản xuất hàng giả hàng nhái hiện nay rất lớn nhưng số vụ bị phát giác, bắt giữ không cao [2]. Hầu hết các vụ bắt giữ đều liên quan đến việc sử dụng hàng giả hàng nhái với phương thức xử lý thường là tiêu hủy và xử phạt hành chính, không nhiều trường hợp bị xử lý hình sự. Nguyên nhân trước hết là do các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn khó thực hiện.

Phát hiện hàng giả, hàng nhái không khó vì chúng được bày bán công khai. Giống như trong vụ việc, đi qua phố Hàng Than sẽ thấy rất nhiều quán cũng bán “Bánh cốm Nguyên Ninh”, giả dạng quán truyền thống. Tuy nhiên việc xử lý lại không đơn giản. Theo quy định, cần phải có kết luận giám định đó là hàng giả mà chi phí giám định cũng không hề rẻ. Khi đó, cơ quan thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, mà người vi phạm hầu như không có tiền nộp lại và quy trình cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Bên cạnh đó, vẫn còn việc tiếp tay của chính người tiêu dùng Việt[3]. Dù biết là mình đang mua hàng giả, hàng nhái xong nhiều người vẫn lựa chọn loại hàng hóa này bởi vì phù hợp với túi tiền. Điều này khiến cho hàng giả, hàng nhái lại càng có cơ hội phát triển. Và còn do tâm lý thấy lợi trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài, khiến cho quá trình xử lý gặp khó khăn rất lớn.

Bảo vệ nhãn hiệu sử dụng cho đặc sản địa phương hiện nay

Đương nhiên, một nhãn hiệu sử dụng cho đặc sản muốn được pháp luật bảo vệ, điều đầu tiên cần làm là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phổ biến nhất là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như nhãn hiệu bánh cốm “Nguyên Ninh”.

Một số lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được sử dụng cho đặc sản địa phương như sau:

Một là, bảo hộ nhãn hiệu sẽ giảm thiểu thiệt hại do hành vi khai thác, sử dụng trái phép nhãn hiệu của chủ thể khác. Điều này giúp đảm bảo uy tín và danh tiếng của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Bảo hộ nhãn hiệu là công cụ hữu hiệu để chủ sở hữu quảng bá và lưu thông hàng hóa trên thị trường, bảo vệ và mở rộng thị phần, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Hai là, việc bảo hộ nhãn hiệu cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bảo hộ nhãn hiệu để giúp người tiêu dùng không phân vân trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa mà mình cần, đồng thời giúp người tiêu dùng sử dụng tiền hiệu quả hơn.

Ba là, bảo hộ nhãn hiệu tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn, chuyển giao công nghệ. Khi đầu tư, tài sản trí tuệ đã được đăng ký bảo hộ hay chưa luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Bởi việc được pháp luật bảo hộ giúp nhà đầu tư được tạo điều kiện để phát triển hàng hóa và thu hồi vốn.

Như vậy, bảo hộ nhãn hiệu cho đặc sản giúp chủ sở hữu phát triển kinh doanh dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo hộ nhãn hiệu sử dụng cho đặc sản tại Việt Nam lại chưa được các hộ kinh doanh quan tâm đúng mực. Hoặc có đăng ký bảo hộ, cũng chỉ dừng ở mức hoạt động mô hình nhỏ lẻ, phương thức kinh doanh truyền thống, chưa khai thác được hết giá trị tài sản trí tuệ của chủ sở hữu.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát chủ yếu từ nhận thức và năng lực tài chính của chủ sở hữu. Chủ sở hữu thường không đăng ký nhãn hiệu vì cho rằng chi phí đăng ký tốn kém và không nắm được kiến thức về pháp luật.

Để góp phần khắc phục tình trạng trên, cần thiết các giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ cho các hộ kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh sự kết nối giữa các đơn vị - chức năng thuộc Bộ, ban, ngành địa phương để lập kế hoạch bảo vệ các nhãn hiệu sử dụng cho đặc sản. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững cho đặc sản địa phương tại Việt Nam.

Một ví dụ thành công của việc phối hợp của các cơ quan chức năng và các hộ sản xuất là việc bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể miến dong hương rừng Phia Oắc tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Vùng đất miến Nguyên Bình vốn nổi tiếng với nghề trồng và sản xuất miến dong nhưng lại bị nhiều đối tượng giả mạo làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích kinh tế của người làm miến cũng như người tiêu dùng. Bởi đó, UBND huyện đã phối hợp Sở KHCN thực hiện dự án bảo hộ nhãn hiệu tập thể miến dong Nguyên Bình để giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Tóm lại, thông qua sự việc trên, vốn là sự việc liên quan đến bản thân một doanh nghiệp, một hộ kinh doanh nhưng lại là hình ảnh phản chiếu nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang là chủ sở hữu nhãn hiệu đặc sản tại địa phương.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Khắc Vinh

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề