TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Khai thác Ebook, tác giả khó kiểm soát hành vi xâm phạm

Cập nhật: 12/12/2021 | 10:34:16 AM

(PLBQ). Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, hình thức đọc sách trên các nền tảng trực tuyến dần trở nên phổ biến. Chính vì vậy mà việc tranh chấp liên quan đến khai thác bản quyền sách điện tử hay ebook ngày càng phổ biến và phức tạp hơn.

>> Sách nói - xu hướng trong kỷ nguyên số: Những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục

>> Làm thế nào để các Diễn đàn đọc sách truyện online bảo vệ quyền của nhà văn

>> Dịch, xuất bản sách nước ngoài - mua bản quyền thôi chưa đủ

Tranh chấp bản quyền giữa tác giả Nguyễn Quốc Vương và đơn vị khai thác bản quyền

Tác giả chịu thiệt hại lớn nhất khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả

Căn cứ Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Luật cũng quy định các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo đó, năm 2016, Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường, đã ký hợp đồng nhượng quyền xuất bản sách giấy cho Công ty cổ phần zGroup trong 3 năm với thời hạn từ ngày 15/12/2016 đến 15/12/2019. Trong hợp đồng đã ký kết có thỏa thuận điều khoản cho phép zGroup làm ebook (sách điện tử) nhưng với điều kiện phải thông báo, báo cáo doanh thu và chia lợi nhuận cho ông Nguyễn Quốc Vương. Tuy nhiên suốt từ đó đến nay, tác giả khẳng định không hề nhận được bất cứ thông báo hay tiền bản quyền nào từ zGroup về việc làm bản ebook.

Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Vương lại tình cờ phát hiện ứng dụng đọc sách điện tử Waka đang kinh doanh dạng ebook cuốn sách trên với giá 22.000 đồng, trong khi trước đó ông không hay biết gì chuyện Waka được phép khai thác tựa sách này.

Waka là đơn vị khai thác bản quyền dạng ebook cuốn sách (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Không nhận được thông báo cũng như tiền bản quyền, tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng nếu ông không tự mình phát hiện ra vụ việc trên thì việc vi phạm bản quyền cuốn sách sẽ còn kéo dài và hiển nhiên người chịu thiệt lớn nhất chính là tác giả.

Lời bào chữa của các công ty khai thác bản quyền

Sau khi tác giả Nguyễn Quốc Vương lên tiếng về vấn đề này trên mạng xã hội, zGroup đã ra thông cáo báo chí để phản hồi, đề cập đến việc khai thác bản quyền cuốn sách. Trong văn bản trình bày rằng hợp đồng cấp quyền kinh doanh của zGroup cho Waka với cuốn Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường có thời hạn 2 năm (từ tháng 7/2018 đến hết tháng 7/2020). Đơn vị này cần phải thông báo cho Waka chấm dứt khai thác thác phẩm. Tuy nhiên, zGroup đã không theo dõi thực hiện thông báo dẫn đến việc Waka tiếp tục khai thác và gây ảnh hưởng quyền lợi của ông Nguyễn Quốc Vương.

Thông cáo báo chí của zGroup về vụ việc trên (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Về đối soát thanh toán, zGroup và Waka hợp tác theo hình thức chia sẻ doanh thu và Waka cam kết cho zGroup một mức doanh thu tối thiểu theo năm. Trong khoảng thời gian hợp tác giữa hai bên, tổng doanh thu thực tế phát sinh hàng năm không vượt qua mức doanh thu tối thiểu nên Waka không có nghĩa vụ thanh toán thêm cho zGroup. Đồng thời, zGroup cho biết việc xảy ra sai sót trên là do thiếu nhân sự cho mảng văn học Việt Nam.

Phản hồi lại thông cáo từ phía zGroup, Waka đã lên tiếng khẳng định hợp đồng giữa hai đơn vị này có thời hạn khai thác 3 năm thay vì 2 năm, tức đến ngày 16-10-2021 mới hết hạn. Tuy nhiên, cho dù Waka có thực sự thỏa thuận với zGroup điều khoản thời hạn như trên thì đơn vị này vẫn khai thác bản quyền ebook cho đến tận khi tác giả Nguyễn Quốc Vương phản ánh, tức ngày 17/11.

Theo đó, hai đơn vị này đã nêu hướng giải quyết cụ thể như sau: zGroup sẽ cung cấp số liệu chi tiết doanh thu phát sinh cho tác giả Nguyễn Quốc Vương cũng như thực hiện việc chi trả cho ông Vương 20% doanh thu phát sinh từ ngày 16/10/2018 đến hết ngày 15/12/2019 khi tác phẩm được khai thác trên Waka. Đơn vị này cũng nhận trách nhiệm nếu tác giả Nguyễn Quốc Vương đưa thêm các yêu cầu bồi thường thiệt hại hợp lý khác liên quan quyền tác giả của mình đối với zGroup, đơn vị này sẽ đền bù cho ông Vương.

Còn với Waka, đơn vị này sẽ thực hiện chi trả toàn bộ doanh thu phát sinh của tác phẩm mà Waka nhận được từ ngày 15/12/2019 đến hết ngày 17/11/2021. Nếu ông Nguyễn Quốc Vương có đưa thêm các yêu cầu bồi thường thiệt hại hợp lý khác liên quan quyền tác giả của mình với Waka, đơn vị này sẽ thực hiện đền bù cho ông Vương, zGroup có trách nhiệm bồi thường tương ứng cho Waka một cách thỏa đáng.

Giải pháp hạn chế vi phạm bản quyền ebook

Dù có các giải pháp khắc phục thì việc để xảy ra những vi phạm như trên cũng tạo ra những tiền lệ xấu, nhất là khi thị trường ebook ngày càng được độc giả quan tâm. Hơn nữa, các tác giả lại là chủ thể chịu thiệt hại trực tiếp, từ đó tâm lý e ngại khi ký kết hợp đồng khai thác bản quyền ebook là khó tránh khỏi. Câu hỏi được đặt ra là liệu còn bao nhiêu tác phẩm bị xâm phạm bản quyền dạng ebook mà chưa được phát hiện? Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Thực tế hiện nay, các công ty xuất bản thường không chú trọng phát triển mạnh nền tảng công nghệ. Chính vì vậy, khi muốn sản xuất ebook, họ phải liên kết với bên thứ 3. Đây là lý do mà, tác giả không thể kiểm soát được việc khai thác bản quyền tác phẩm của mình cũng như việc các bên thứ ba xem nhẹ của tác giả. Không có bất kỳ sự thỏa thuận nào được thông qua giữa bên thứ ba và tác giả, dù cho họ là chủ sở hữu của tác phẩm.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương phải tự lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh: FBNV

Cần xây dựng hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi tác giả

Khi mà công nghệ ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống thì việc có những quy định nhằm đưa ra cách thức khai thác, bảo vệ bản quyền cho các tác giả trên các nền tảng số là điều cần thiết. Cả tác giả và nhà sản xuất, phát hành đều cần nắm rõ được quyền và trách nhiệm của mình để tránh những tranh chấp không đáng có. Đây cũng có cách thức để thúc đẩy sáng tạo, tạo niềm tin cho tác giả mạnh dạn hợp tác với các nhà phát hành, đưa nhiều tác phẩm có giá trị tới người đọc. 

Nhà phát hành sách cần có quy trình khai thác bản quyền hợp lý

Nếu mỗi nhà khai thác bản quyền sách có được một quy trình chi tiết, cụ thể về việc hợp tác với tác giả cũng như các đơn vị khác thì việc xâm phạm bản quyền này chắc chắn không xảy ra. Xây dựng quy trình hợp lý, đúng pháp luật, tôn trọng vấn đề bản quyền là cách thức để chính các đơn vị khai thác tạo uy tín cho mình với bạn đọc, cũng như nắm được niềm tin từ các tác giả để có được nhiều hơn nữa những tác phẩm ấn tượng, hấp dẫn người đọc.

Đây không phải lần đầu những hành vi xâm phạm bản quyền ebook được chính các tác giả lên tiếng phản ánh, điều đó cho thấy việc chú trọng đến bảo vệ tác quyền tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng lớn đến các chủ thể sáng tạo. Chú trọng bảo vệ quyền lợi tác giả, bản quyền tác phẩm sẽ là chìa khóa để việc khai thác bản quyền sách, đặc biệt là trên các nền tảng số, được thuận lợi hơn, hạn chế tối đa những sai sót không đáng có.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Ngọc Hà

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề