TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Giải pháp nào cho các thương hiệu hậu ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay?

Cập nhật: 5/11/2021 | 8:15:12 AM

(PLBQ). “Tẩy chay” có lẽ không còn là cụm từ xa lạ với bất kì thương hiệu nào và chắc hẳn đây là điều không bất kì thương hiệu nào muốn đón nhận.

>> Khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu nhìn từ vụ việc Bách Hóa Xanh

>> Từ sự kiện “Hảo Hảo”, doanh nghiệp cần hành động gì để vượt qua khủng hoảng thương hiệu

>> Bài học rút ra từ chiến lược định vị thành công thương hiệu của Vinfast

Tẩy chay” thương hiệu được hiểu là việc số đông người tiêu dùng thậm chí mang tính quốc gia không chấp nhận sử dụng bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào được thương hiệu cung cấp ra thị trường và hậu quả có thể dẫn đến sự chấm dứt hoạt động của thương hiệu đó. “Làn sóng” tẩy chay thương hiệu có thể xuất phát từ rất nhiều các lý do.

Các thương hiệu bị ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay

Không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam, việc các thương hiệu bị ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay không còn là chuyện gì quá lạ lẫm. Bên cạnh vô số những làn sóng tẩy chay đến từ các nguyên nhân khác thì thời gian gần đây đặc biệt nổi bật chuyện các thương hiệu bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay các nghệ sĩ trong showbiz Việt đến từ các ồn ào sao kê từ thiện.

Ví như chương trình Miss Word Vietnam phần nào bị ảnh hưởng khi có nhiều ý kiến phản đối Đàm Vĩnh Hưng - 1 trong 5 giám khảo đã được công bố từ hồi 4/2021. Từ câu chuyện của nghệ sĩ, Miss Word Vietnam vô tình vấp phải những ý kiến bất bình, tẩy chay chương trình bởi lựa chọn sai lầm. 

Việc tẩy chay do nhiều lý do liên quan đến Đàm Vĩnh Hưng như giọng ca “Nửa vầng trăng" thường xuyên có những phát ngôn thách thức, dậy sóng dư luận nhất là việc Đàm Vĩnh Hưng bị tố không minh bạch tiền từ thiện, thậm chí còn bị VTV “chỉ mặt" trong phóng sự "từ thiện thiếu minh bạch" và đến nay, dư luận vẫn cho rằng Đàm Vĩnh Hưng không xứng đáng ngồi ghế giám khảo cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc gia cùng với đó vẫn tiếp tục đưa bình luận trên fanpage để mong nhận câu trả lời từ BTC Miss World Vietnam.

Không chỉ có Miss World Vietnam mà còn có Rap Việt mùa 2, dư luận khi được biết Trấn Thành – một trong các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi ồn ào sao kê từ thiện gần đây, xác nhận trở lại "cầm trịch" Rap Việt mùa 2 thì cũng có các bình luận với nội dung sẽ "tắt tivi".

Trong một số trường hợp, trước làn sóng tẩy chay thì một số nhãn hàng khác thậm chí còn buộc phải dừng hợp tác với các nghệ sĩ như trường hợp của Thủy Tiên hay gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của nghệ sĩ trên website và fanpage như trường hợp của Hoài Linh…

 Chương trình “Thách thức danh hài” bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay Hoài Linh (Ảnh: giadinh.net.vn) 

Trên đây chỉ là những điển hình gần đây trong vô vàn những thương hiệu bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay. Từ đó, để mỗi thương hiệu có thêm những bài học, lưu ý trong quá trình hoạt động và phát triển.

“Vô vàn” các nguyên nhân dẫn đến các thương hiệu bị ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay

Như đã đề cập ở trên, các thương hiệu có thể bị tẩy chay bởi các nghệ sĩ liên quan đến thương hiệu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều các nguyên nhân khách quan khiến thương hiệu không được công chúng ủng hộ. Ngoài ra, việc thương hiệu bị tẩy chay còn có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác, phổ biến như:

Thứ nhất, thương hiệu có thể bị tẩy chay do những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Có thể nhận định rằng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ là một trong những lý do hàng đầu người tiêu dùng quyết định lựa chọn thương hiệu đó. Nếu như sản phẩm, dịch vụ không đạt yêu cầu chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng…khả năng cao sẽ không được người tiêu dùng chấp nhận.

Ví như hãng gà rán KFC được nhiều người ưa chuộng không ít lần vấp phải các chiến dịch tẩy chay của người tiêu dùng thế giới. Tại Anh, KFC từng phải xin lỗi một nam sinh viên 19 tuổi vì “bỏ quên” một quả thận trong quá trình chế biến nguyên liệu. Chưa hết, tại Trung Quốc, hãng này liên tục bị phát hiện sử dụng gà nuôi bằng chất kháng sinh, kích thích tăng trưởng, thậm chí sử dụng hóa chất có nguy cơ gây tổn thương não…

Thứ hai, thương hiệu hoặc nhân sự của thương hiệu có những hành vi lừa dối, vi phạm đạo đức, trái quy chuẩn chung của xã hội, vi phạm pháp luật… Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến làn sóng tẩy chay thương hiệu.

Ông vua đồ uống “Coca-cola” cũng không ít lần bị kêu gọi tẩy chay do các vụ bê bối đình đám liên quan tới đạo đức kinh doanh như: trốn thuế, bóc lột sức lao động của công nhân, kỳ thị người Do Thái, phân biệt chủng tộc.

Hay vụ việc nổi tiếng của công ty Vedan (Việt Nam) bị tẩy chay vì “giết” sông Thị Vải. Tháng 9/2008, Công ty Vedan bị phát hiện xả nước thải “chui” ra sông Thị Vải. Theo thống kê, bán kính vùng ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra có phạm vi 10 km dọc bờ sông Thị Vải. Tại khu vực này, nước sông bị ô nhiễm nặng nề, nước có màu đen hôi, cá chết hàng loạt... Giữa năm 2010, hàng loạt siêu thị, chợ và người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của Công ty Vedan.

Thứ ba, nguyên nhân khiến thương hiệu bị tẩy chay còn có thể xuất phát từ chiến lược marketing vô tình bị người tiêu dùng nhìn nhận có sự kì thị, phân biệt chủng tộc, sự tác động về mặt chính trị…

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc tẩy chay thương hiệu ví như câu chuyện của Dolce&Gabbana bị cả Trung Quốc tẩy chay vì video quảng cáo được cho là đang phân biệt chủng tộc. Trong video quảng cáo của D&G, người mẫu trong quảng cáo đang ăn pizza, spaghetti, taco – những món phương Tây bằng đũa (dụng cụ ăn truyền thống của người Châu Á). Người Trung Quốc nói chung và châu Á nói riêng cho rằng thương hiệu đang bôi nhọ, cười nhạo văn hóa phương Đông. Hậu quả là hàng loạt người nổi tiếng như Lý Băng Băng, Chương Tử Di, Vương Tuấn Khải và Địch Lệ Nhiệt Ba cũng tuyên bố rời bỏ thương hiệu này. Show diễn ra mắt BST mới cũng bị hủy chỉ trước vài giờ đồng hồ. Tạo nên một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ đến từ người Trung Quốc và gây sụt giảm doanh thu nặng nề…

Thứ tư, một trong các nguyên nhân khiến thương hiệu bị tẩy chay không thể không nhắc đến sự không chấp nhận của người tiêu dùng đối với thương hiệu xuất phát từ lý do chính trị, văn hóa… và chính sách của quốc gia không chấp nhận thương hiệu.

Minh chứng tiêu biểu cho nguyên nhân này là việc tẩy chay hàng Trung Quốc tại thị trường thế giới. Năm 2014, Trung Quốc có hành vi được cho là xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của một số nước khu vực Đông Nam Á trong vòng hơn 2 tháng. Vụ việc này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ nhiều nước trên thế giới. Nhiều người dân ở khu vực phát động và thực hiện phong trào tẩy chay hàng Trung quốc. Làn sóng không tiếp khách Trung Quốc, không du lịch nước này cũng tăng mạnh trong thời điểm trên…

(Một cửa hàng tẩy chay hàng Trung Quốc sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 -Ảnh: Báo giao thông)

Giải pháp cho các thương hiệu hậu ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay

Đối với bất kì một thương hiệu nào, “tẩy chay” có lẽ là một điều tối kị và có thể dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của thương hiệu. Tuy nhiên, với rất nhiều nguyên nhân như kể trên, việc bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay có lẽ chỉ là ranh giới mong manh nếu thương hiệu chỉ cần một chút sơ sẩy trong quá trình hoạt động và phát triển. Lúc này đây các giải pháp cho các thương hiệu hậu ảnh hưởng từ làn sóng tẩy chay trở nên quan trọng hơn bao hết:

Thứ nhất, cần tập trung xử lý khủng hoảng thương hiệu hậu làn sóng “tẩy chay”. Để xử lý khủng hoảng, các thương hiệu cần:

Nhanh nhạy, linh hoạt, khéo léo. Trong mọi trường hợp thì doanh nghiệp luôn luôn phải là ở thế chủ động nhất có thể để xử lý mọi việc chu đáo hơn bởi mỗi phút giây trôi qua khi làn sóng tẩy chay xuất hiện, doanh nghiệp sẽ thiệt hại không biết bao nhiêu lợi nhuận và uy tín.

Minh bạch thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông và có cách ứng xử tốt, đó không đơn giản là lời xin lỗi mà hơn hết doanh nghiệp cần thể hiện sự chân thành, học hỏi. Doanh nghiệp không chỉ sửa lỗi mà còn cần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Luôn ưu tiên tôn chỉ “thái độ hơn trình độ” và nói không với gian dối, kém trung thực.

Bồi thường cho các thiệt hại mà doanh nghiệp đã gây ra trong khả năng của thương hiệu và trong thời gian sớm nhất có thể. Ví như trong trường hợp của Vedan (Việt Nam), để bù đắp cho các thiệt hại mà công ty đã gây ra, xoa dịu người tiêu dùng và có thể tiếp tục hoạt động cho đến nay, Vedan đã đã cam kết bồi thường 100% thiệt hại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh với số tiền gần 220 tỷ đồng. Cụ thể, người dân Đồng Nai nhận gần 120 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hơn 53,6 tỷ đồng và TP HCM nhận hơn 45,7 tỷ đồng.

Không ngần ngại để tương tác với khách hàng và xử lý vấn đề nhanh chóng. Doanh nghiệp nên làm như vậy để khách hàng không có cảm giác doanh nghiệp đang trốn tránh một vấn đề gì đó. Điều này sẽ khiến khách hàng không mất niềm tin vào thương hiệu mà doanh nghiệp đang tạo dựng.

Sự chuẩn bị về nguồn tài chính, nhân lực đủ tốt trong khả năng của doanh nghiệp cho việc xử lý khủng hoảng thương hiệu hậu “làn sóng” tẩy chay. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị ở đây còn là trong quá trình hoạt động doanh nghiệp hãy luôn chủ động xây dựng các kịch bản khủng hoảng có thể xảy ra và phương án giải quyết cụ thể cho các khủng hoảng đó.

Thứ hai, cần có những giải pháp khôi phục thương hiệu hậu “làn sóng” tẩy chay như:

Nghiêm túc rút kinh nghiệm về “làn sóng” tẩy chay vừa xảy ra như về các nguyên nhân để xảy ra tẩy chay, các biện pháp xử lý khủng hoảng hậu tẩy chay đã phù hợp chưa…

Nhìn nhận lại chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu để có những sự thay đổi cho phù hợp như thay thế đội ngũ, tái cấu trúc hệ thống, tái định hướng chiến lược… nếu cần thiết.

Gửi lời cảm ơn và cam kết chân thành nhất đến khách hàng thông qua phương tiện truyền thông.

Xây dựng một đợt truyền thông mới cho thương hiệu hướng sự tập trung của người tiêu dùng đến những vấn đề mới.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quy chụp hay quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Nhật Vy

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề