TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Chúng ta có quyền Sở hữu trí tuệ đối với giọng nói của chính mình?

Cập nhật: 19/10/2021 | 8:02:23 AM

(PLBQ). Hiện nay, các mẫu giọng nói đang được thu thập ở quy mô chưa từng có, dù có hay không sự đồng ý chủ sở hữu. Sự thiếu rõ ràng quy định pháp luật dành cho cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này là điều cần phải được giải quyết như một vấn đề cấp bách.

>> Tại sao cần bảo hộ quyền tác giả đối với Tác phẩm được tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo?

>> Pháp luật “hở” khi trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến sự hình thành tài sản trí tuệ

>> Trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng thế nào đến pháp luật nhãn hiệu?

Dùng AI để sao chép giọng nói

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể tạo ra hình ảnh số hóa của một cá nhân giống như người thật. Đặc biệt, ngoài hình dạng, người nhân tạo còn rất giỏi tiếng Việt, thậm chí giọng nói giống y hệt.

Ví dụ: Trong chương trình Shark Tank kỳ 4, có mô hình kinh doanh sách nói, cũng ứng dụng AI để tạo ra giọng đọc giống người thật.

Trên thế giới, người nhân tạo không phải quá xa lạ. Tuy nhiên, việc ra đời người nhân tạo tại Việt Nam là một bước đột phá về công nghệ, đưa công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam sang một bước tiến mới. Người nhân tạo ở Việt Nam sắp tới có thể xuất hiện dưới dạng một nhà tư vấn, nhân viên chăm sóc khách hàng, một trợ lý ảo hay người mẫu… Người nhân tạo là công nghệ phù hợp với chiến lược chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Mô hình người nhân tạo (Ảnh: Nguoinhantao.vn)

Tuy nhiên, chính sự phát triển vượt bậc của AI đã giấy lên một sự lo lắng, sẽ ra sao nếu AI được ứng dụng để bắt chước giọng nói của người khác và truyền đi thông tin với mục đích xấu. Chẳng hạn như truyền đi thông tin giả mạo từ các Nguyên thủ quốc gia, sao chép giọng nói của phát thanh viên, người nổi tiếng để khai thác thương mại, hay đơn giản chỉ là giả giọng một thành viên trong gia đình và gửi cho chúng ta một thông điệp khẩn cấp nào đó.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hình ảnh của một người đã được bảo hộ theo luật dân sự. Vậy một câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với giọng nói của chính mình?

Chúng ta có quyền SHTT đối với giọng nói của chính mình?

Trong thời gian rất gần đây, khái niệm “quyền Sở hữu trí tuệ” đối với giọng nói của con người mới bắt đầu cần được xem xét thích đáng về mặt pháp lý của nó.

Mặc dù, có nhiều người không thích âm thanh giọng nói của chính mình, nhưng đó vẫn là một khía cạnh rất riêng về con người mỗi chúng ta và thường là một dấu hiệu nhận biết rất độc đáo.

Giọng nói cũng rất có giá trị, diễn viên lồng tiếng cộng với sự thể hiện cực kỳ đáng nhớ cho nhân vật của họ sẽ rất hấp dẫn đối với người xem.

Ví dụ: Diễn viên Vân Sơn từng được Châu Tinh Trì gửi thư cảm ơn vì lồng tiếng rất thành công hàng chục bộ phim của "Vua hài Hong Kong" này khi đến với khán giả Việt Nam.

Với suy nghĩ đó, giọng nói của chúng ta có được bảo vệ bởi Luật SHTT?

Theo pháp luật hiện hành, đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan), quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, giọng nói của một người không nằm trong các đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật SHTT.

Tuy nhiên, chúng ta có thể gián tiếp bảo vệ giọng nói của chính mình bằng cách sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT quy định như sau: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 4 Luật SHTT quy định như sau: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi là quyền liên quan) là quyền của cá nhân, tổ chức đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh, chương trình phát sóng mang chương trình được mã hóa”. Theo đó, những cá nhân, tổ chức khác nhau được sở hữu quyền liên quan này khi họ thực hiện một cuộc biểu diễn hoặc một buổi ghi hình, ghi âm,…

Như vậy, bằng cách thông qua các buổi biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình…, chúng ta có thể bảo vệ giọng nói của mình. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, giọng nói của một người tách riêng sẽ không được bảo hộ.

Có thể bảo hộ giọng nói dưới dạng nhãn hiệu?

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Nhãn hiệu được định nghĩa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Cụ thể hơn tại Điều 72 của Luật SHTT thì:

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”

Theo quy định luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam nêu trên thì nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều. Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 72 thì giọng nói không phải là dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu trong luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang đề cập đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, tương tự như vậy, có lẽ giọng nói cũng nên được xem xét bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu.

Chức năng đầu tiên và cơ bản nhất của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau. Để thực hiện được chức năng này thì các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu phải có tính phân biệt nhất định thì mới có thể giúp người tiêu dùng ghi nhớ và nhận biết trên thị trường.

Tính phân biệt (hay còn gọi là khả năng phân biệt của nhãn hiệu) là nội dung trọng tâm trong pháp luật về nhãn hiệu của tất cả các nước, là vấn đề cốt lõi được xem xét đến trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu.

Đối với các dấu hiệu không thể nhận biết được bằng thị giác như giọng nói, việc đánh giá khả năng phân biệt sẽ phức tạp hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, giọng nói của một người là dấu hiệu có thể phân biệt được. Thông qua giọng nói, người nghe có thể xác minh được tâm trạng của người nói chuyện đang vui hay buồn, bình thản hay cáu giận. Cùng một nội dung sự việc nhưng âm sắc giọng nói khác nhau đã đủ biểu đạt ý nghĩa không giống nhau.

Theo một số chuyên gia ngôn ngữ, chỉ cần nghe giọng nói của một người thôi cũng có thể đoán được đặc điểm tính cách, địa vị và thậm chí là tuổi nữa. Chẳng hạn như, độ lớn và cường độ âm thanh trong lời nói của những người có địa vị cao trong xã hội thường tăng cao hơn bình thường, đồng thời âm sắc của giọng nói cũng trở nên đơn điệu hơn.

Bên cạnh đó, người có giọng nói ấm áp, bình tĩnh là người kìm nén cảm xúc rất tốt, thích tự lập. Giọng khàn đục cho thấy chúng ta là người có tính cách mạnh mẽ, cứng rắn, không thích dựa dẫm vào người khác. Giọng nói nhỏ, lí nhí không rõ ràng cho thấy chúng ta là người thiếu tự tin,…

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các từ ngữ, khẩu hiệu và âm sắc mà một giọng nói tạo ra được có thể được bảo hộ, nhưng bản thân giọng nói đó thì lại không xác định. Không có sự hiện thân của một ý tưởng nào trong giọng nói ngoài những suy nghĩ của người nói ra chúng ngay tại thời điểm đó. Vì “âm thanh không cố định”, không thể có biện pháp bảo vệ quyền SHTT nào có sẵn cho vô số từ hoặc cụm từ mà một người có thể thốt ra bằng giọng nói đặc biệt của họ.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, hoàn toàn có cơ sở để cơ quan chức năng chấp thuận đăng ký giọng nói của một người làm nhãn hiệu. Tuy nhiên, chỉ có thể đăng ký đối với một số cụm từ hoặc cách sắp xếp từ ngữ cụ thể nào đó được xác định rõ ràng trong hồ sơ đăng ký (Ví dụ: thông qua một tệp âm thanh). Nói chung, điều này sẽ không cấp độc quyền cho giọng nói của chúng ta, nhưng có thể bảo vệ ở một số khía cạnh, chẳng hạn như những câu nói, châm ngôn nổi tiếng của chính mình.

Ví dụ: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Khi trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển, luật pháp cũng phải tiến bộ. Tương lai không xa, chúng ta có thể hy vọng rằng luật pháp sẽ có sự thay đổi, vì giọng nói của ai đó có thể là một phần biểu tượng của con người họ, điều này cần được bảo vệ theo một cách nhất định. Bên cạnh đó, kiến nghị cần có những quy định cụ thể để bảo vệ, ngăn chặn việc sao chép, chiếm đoạt giọng nói của một người vào những mục đích bất chính.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

 Kỳ Anh

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề