TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Chậm làm thủ tục đăng ký bảo hộ, nhiều doanh nghiệp Việt mất nhãn hiệu tại thị trường quốc tế

Cập nhật: 26/8/2021 | 10:04:58 AM

(PLBQ). Chậm làm thủ tục đăng ký bảo hộ dẫn tới mất nhãn hiệu là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt khi mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

>> Khó khăn nào cho thương hiệu Việt tiếp cận thị trường quốc tế

>> Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi tiếp nhận nhượng quyền thương mại từ các doanh nghiệp quốc tế lớn

>> Nhắc lại hai vụ tranh chấp nhãn hiệu lớn: Bài học đắt giá nào cho các doanh nghiệp Việt?

Một số doanh nghiệp Việt từng bị mất nhãn hiệu trong quá khứ

PetroVietnam

PetroVietnam là doanh nghiệp hàng đầu ngành dầu khí Việt Nam, hoạt động ở ba lĩnh vực chính: xuất khẩu dầu thô, hợp tác thăm dò khai thác dầu khí trong nước và bán các sản phẩm từ dầu khí.

Tuy vậy, vào tháng 7/2002, trang web của Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (http://tarr.uspto.gov) đã thông báo rằng, nhãn hiệu PetroVietnam vừa được một công ty có tên NGUYENLAI, địa chỉ 11215 PACIFIC HWY SW LAKEWOOD, WA 98499 đăng ký bảo hộ tại thị trường Hoa Kỳ (Mỹ).

Bia Sài Gòn

Nhìn vào nhãn hiệu Bia Sài Gòn, mọi người dân Việt Nam và du khách nước ngoài từng đến Việt Nam và thưởng thức qua loại bia này đều biết đó là sản phẩm của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) Việt Nam. Tuy nhiên, sang Mỹ lại không phải thế.

(Ảnh: sabeco.com.vn)

Nhãn hiệu Bia Sài Gòn thuộc sở hữu của công ty Heritage Beverage Company Inc. - một Công ty Mỹ 100% và chẳng có bất cứ liên hệ nào với SABECO. Nếu SABECO muốn bán Bia Sài Gòn trên đất Mỹ thì họ phải xin phép Heritage Beverage Company Inc., vì nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được Công ty này đăng ký với cơ quan chức năng của Mỹ và được bảo hộ.

Nước mắm Phú Quốc

(Ảnh: phuquocxanh.com.vn)

Những thành viên của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đi tới nhiều siêu thị trên đất Mỹ đã không khỏi kinh ngạc trước sự tràn ngập sản phẩm nước mắm mang nhãn hiệu Phú Quốc. Chỉ có điều đó là nước mắm Phú Quốc... của Thái Lan! Từ tháng 2/1998, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị công ty Kim Seng tại California đăng ký và được công nhận vào tháng 5/1999. Với sự hỗ trợ của văn phòng quốc gia liên ngành cognac Pháp, nước mắm Phú quốc đã hoàn tất các thủ bảo hộ ở Pháp, EU & Mỹ.

Ngoài ra, nhiều nhãn hiệu đã thành danh ở Việt Nam như Vĩnh Hảo, Saigon Export... đã bị các công ty Mỹ “hớt tay trên", đăng ký bảo hộ trên thị trường Mỹ. Các sản phẩm của những công ty này nếu muốn vào thị trường Hoa Kỳ buộc phải xin phép chủ sở hữu nhãn hiệu trên.

Hay có thể kể đến các nhãn hiệu của Công ty may Việt Tiến như May 10, Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú... không thể giữ được tên nhãn hiệu “nguyên bản” như vẫn đang gọi tại thị trường Việt Nam, nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ. Nguyên nhân là các nhãn hiệu này đã được những công ty khác nhạy bén với thị trường đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng của Mỹ theo luật pháp Mỹ. Đáng chú ý, sau khi đăng ký thành công, họ còn rao bán trên mạng công khai, mà đích nhằm tới chính là những doanh nghiệp sinh ra nhãn hiệu đó nhưng chậm làm “giấy khai sinh”.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược tối ưu, phải coi bảo hộ nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược xâm nhập vào một thị trường cụ thể.

Nhãn hiệu phải đi trước hàng hóa

Giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất cho các doanh nghiệp để tránh bị rơi vào tình trạng như trên là phải tiến hành gấp rút đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài ngay từ khi mới bắt đầu kế hoạch mở rộng thị trường. Việc đăng ký tuy không mang lại lợi ích cụ thể trước mắt, nhưng nó lại vô cùng có ý nghĩa về lâu về dài. Nó sẽ là cơ sở để doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có đẩy đủ các quyền của chủ sở hữu để chống lại các hành vi vi phạm như làm hàng giả, ăn cấp kiểu dáng, nhái nhãn mác hay sử dụng nhãn hiệu một cách bất hợp pháp hoặc bị đăng ký mất nhãn hiệu.

Khi đã có giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp sẽ nhận được sự bảo hộ của pháp luật quốc gia nơi tiến hành đăng ký, nếu có vi phạm xảy ra, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu, cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác liên quan đến bản quyển sản phẩm.

Phải tuân thủ nguyên tắc chiến lược “nhãn hiệu đi trước hàng hoá". Cần phải nhanh chóng khắc phục thói quen đưa hàng hoá ra thị trường rồi mới tính đến nhãn hiệu. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sở hữu trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ thị trường mình dự kiến giao thương. Nên tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng như hiện nay".

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nói chung và nhãn hiệu nói riêng sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ được thế chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng như một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị hàng xuất khẩu rồi nhưng lại không được hải quan nước ngoài cho phép nhập khẩu. Lý do được đưa ra là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, do có một doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký làm chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thì nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm trước hai đến ba năm, vì thời gian từ khi nộp đơn đăng ký đến lúc được chấp thuận có thể kéo dài.

Thực tế không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng hoá mà đã xuất khẩu là rất mạo hiểm. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản. Nông sản đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và đang là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta nhưng trên thị trường thế giới, người tiêu dùng hầu như không biết đó là hàng Việt Nam, mặc dù những mặt hàng đó rất được yêu thích. Các doanh nghiệp nên nhanh chóng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hàng hoá của mình để bảo vệ danh tiếng, uy tín của mình ở nước ngoài.

Tìm hiểu kỹ thị trường nước ngoài, đặc biệt là pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ

Nghiên cứu thị trường là một trong các công việc quan trọng mà các nhà quản trị doanh nghiệp phải thực hiện trước khi đưa ra một quyết định nào đó như tung ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới cho khách hàng và là điều cần thiết đầu tiên phải làm.

Khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài phải nghiên cứu kỹ pháp luật nước nhập khẩu để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mà không gặp khó khăn khi tiến hành kinh doanh ở thị trường đó. Doanh nghiệp phải hiểu tường tận thị trường mình định tham gia về mọi khía cạnh như:

  • Tiêu chuẩn chất lượng.
  • Các đối thủ cạnh tranh hiện hữu và tiềm năng.
  • Thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng và các quy định pháp luật (trong đó có các quy định về quyền sở hữu công nghiệp).

Phải coi nghiên cứu pháp luật về sở hữu trí tuệ là một khâu quan trọng trong nghiên cứu thị trường, vì có như thế thì doanh nghiệp sẽ hạn chế được các tình trạng “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu hệ thống pháp luật các nước hiện nay không phải là chuyện dễ dàng. Doanh nghiệp nên liên hệ với các tổ chức hỗ trợ của nhà nước chuyên về vấn để Sở hữu trí tuệ hoặc có thể liên hệ với các công ty luật tư vấn trước khi quyết định tiến hành kinh doanh một thị trường nào đó. Ngoài ra, qua một số trang web, doanh nghiệp thể tìm hiểu thông tin về hầu hết các thị trường, trong đó có các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Asean...

Dùng mọi biện pháp để đấu tranh giành lại quyền sở hữu trí tuệ

  • Khởi kiện tại Tòa án

Cách đầu tiên là doanh nghiệp có thể tiến hành khởi kiện trước Toà án nước ngoài hoặc nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu của mình, buộc người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi đó hoặc bồi thường thiệt hại một cách thoả đáng.

Khi thực sự cần thiết, chủ sở hữu hợp pháp hàng hóa đó có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm thời hoặc các biện pháp khẩn cấp tại biên giới để ngăn chặn các hành vi vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu giữ các bằng chứng vi phạm, tránh khả năng người có hành vi vi phạm tiêu huỷ chứng cứ.

Đối với những trường hợp bị đăng ký mất nhãn hiệu như Petrolimex, Bia Sài Gòn..., công ty này có quyền khiếu nại người đã đăng ký nhãn hiệu của mình tại Toà án nước ngoài, nơi người đó tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Tuy việc khởi kiện ở Toà sẽ đòi hỏi chi phí lớn và tốn nhiều thời gian, nhưng theo quy định một số nước, bên có hành vi vi phạm sẽ phải chịu toàn bộ án phí cho vụ kiện.

  • Thay đổi nhãn hiệu

Cách thứ hai để doanh nghiệp đối phó với việc xâm phạm là thay đổi nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp chọn cách thay đổi một trong các yếu tố gây nhẩm lẫn với nhãn hiệu đã bị đăng ký mất, nhưng không làm thay đổi cơ bản nhãn hiệu để người tiêu dùng vẫn có thể nhận biết được sản phẩm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp thực sự hữu hiệu vì người tiêu dùng vốn đã quen với nhãn hiệu cũ, thì dù có thay đổi ít họ cũng sẽ khó làm quen với nhãn hiệu mới. Việc này cũng đòi hỏi tốn kém chi phí và rất nhiều thời gian để gây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng.

  • Thương lượng mua lại nhãn hiệu

Cách thứ ba mà doanh nghiệp có thể làm là thương lượng mua lại nhãn hiệu của mình đã bị người khác đăng ký mất. Phương pháp này nếu được thực hiện thành công sẽ đem lại kết quả vô cùng tốt, vì doanh nghiệp sẽ lại thực sự làm chủ nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thương lượng là rất khó khăn, vì thường người đã đăng ký trước không chấp nhận thương lượng hoặc đưa ra mức giá rất cao đến mức bất hợp lý.

Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đã trở thành một vấn để sống còn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bắt buộc phải nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện việc bảo hộ các quyền sở hữu công nghiệp có liên quan đến sản phẩm của mình, phải xem vấn để này là một trong những việc đầu tiên cần làm trong chiến lược thâm nhập một thị trường cụ thể vì đó thực sự là một tài sản quý giá của doanh nghiệp.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Trang Nhung

 

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề