TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Cần bảo hộ các tác phẩm NFT như thế nào?

Cập nhật: 6/12/2021 | 8:31:02 AM

Thế giới số ngày càng phát triển tạo cơ hội mới để đưa các tác phẩm nghệ thuật vào không gian ảo, từ đó đặt ra vấn đề về bản quyền và việc bảo hộ các tác phẩm khi hòa mình vào không gian số.

>> NFT – Cơn sốt nhất thời hay xu hướng bảo vệ bản quyền trong thời đại số?

>> AvatarArt: Cơ hội đưa tác phẩm nghệ thuật vào không gian số

NFT là gì?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhu cầu về thế giới ảo của con người ngày càng gia tăng. Cùng với cơn sốt Bitcoin, NFT xâm nhập vào thị trường và trở thành mặt hàng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Vậy NFT là gì? NFT hay còn gọi là Non - fungible token là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên blockchain. Nhiều người sử dụng NFT để chứng minh quyền sở hữu đối với một sản phẩm nào đó nhờ blockchain.

Grimes - bạn gái của tỷ phú Elon Musk cách đây không lâu đã bán được NFT của một tác phẩm nghệ thuật với giá 6 triệu USD. Hay Sotheby’s đã bán “The Fungible collectione” với giá hơn 17 triệu đô la Mỹ. Mới đây, dư luận Hàn Quốc xôn xao việc công ty Hype vừa công bố chiến lược hoạt động năm 2022, trong đó có kế hoạch gia nhập thị trường NFT gây ra làn sóng đầu tư mạnh vào lĩnh vực, tuy nhiên chính công ty vẫn chưa có động thái xác minh thông tin này. Có thể thấy nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật đã tham gia vào NFT với nhiều mục đích như: lợi nhuận, độ nổi tiếng, quảng bá hình ảnh,... dù với mục đích gì chăng nữa thì NFT đã khẳng định tạo ra một môi trường an toàn toàn diện cho các nghệ sĩ tăng thu nhập. Khẳng định này có đúng hay không vẫn còn là một dấu hỏi.

Tính rủi ro mà NFT đem lại.

Thông thường khi một tác phẩm được tạo ra và bán đấu giá trên thị trường thì bản quyền sẽ thuộc về người sở hữu tác phẩm. Chính vì là một hiện tượng hoàn toàn mới nên quyền tác giả và người mua NFT sẽ gặp nhiều thách thức, rủi ro cao trong việc xác định bản quyền.

Trên thực tế, ai cũng có thể sáng tạo và đăng bán các tác phẩm của mình trên thị trường. Các nền tảng đều được mã hóa nên việc sở hữu một tác phẩm chủ yếu dựa vào niềm tin là chủ yếu. Việc luật pháp chưa có quy chế quản lý chính là lỗ hổng cũng như không có biện pháp bảo vệ khi có gian lận xảy ra.

Đặc biệt trong thời gian gần đây có một nhà đầu tư bức xúc vì bức tranh NFT quý giá bị sao chép chỉ với hành động chụp màn hình. Điều đáng chú ý ở đây là các tác phẩm kỹ thuật hóa luôn dễ sao chép, ăn cắp bản quyền. Thực tế, nền tảng công nghệ càng phát triển, song những kẻ phá hoại trên internet cũng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Với một hành động đơn giản là click chuột vào bức tranh mà nhà đầu tư vừa mua và save lại là trở thành tác phẩm của người khác. Quá trình sở hữu thực sự diễn ra nhanh chóng và đơn giản, lại không tốn kém.

Cách thức bảo vệ thị trường NFT

NFT là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ, luật pháp cần quan tâm cũng như có cách thức bảo vệ thị trường NFT một cách hoàn hảo. Do tính phi tập trung, cũng như chịu ít sự giám sát dẫn đến việc sẽ không có cơ quan trung ương nào có thể giải quyết khiếu nại về quyền sở hữu tác phẩm, và quá trình giải quyết các tranh chấp cũng rất phức tạp.

Sự bùng nổ của NFT trong giai đoạn này là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển dịch của thế giới kỹ thuật số, tương lai NFT vẫn là một dấu hỏi lớn, và việc xâm phạm quyền sở hữu nói chung và việc bảo hộ các tác phẩm NFT nói chung là một vấn đề khó khăn, nan giải đối với pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam trong việc quản lý thế giới ảo và bảo hộ quyền sở hữu tác phẩm của tác giả.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Trang Nhung

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề