TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VIỆT NAM

Bán bản quyền sách Việt Nam ra nước ngoài hứa hẹn tiềm năng phát triển (Kỳ 2)

Cập nhật: 30/9/2021 | 8:00:52 AM

(PLBQ). Bán bản quyền sách Việt ra nước ngoài là một phương thức hữu hiệu để quảng bá văn hóa, giới thiệu đất nước ra thế giới. Đây là hướng đi đầy cơ hội lẫn thách thức cho các nhà xuất bản trong nước.

>> Dịch, xuất bản sách nước ngoài - mua bản quyền thôi chưa đủ

>> Quyền tác giả trong lĩnh vực phát hành, xuất bản sách nhìn từ vụ việc thực tế

>> Các vấn đề pháp lý trong vụ việc tranh chấp bản quyền cuốn sách “trò truyện với cõi vô hình”

Hiểu đúng về Bản quyền sách?

Sách là một sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nhằm truyền tải đến người đọc một thông điệp, kiến thức về lĩnh vực nhất định. Đây là một đối tượng được bảo hộ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 thì bản quyền hay còn gọi là quyền tác giả là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Theo đó, khi muốn xuất khẩu tác phẩm tại một quốc gia khác với ngôn ngữ tại nước đó, chủ sở hữu sẽ thực hiện bán bản quyền sách.

Theo điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 thì “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử”.

Bán bản quyền sách là một công đoạn đương nhiên và quan trọng vào bậc nhất của hoạt động xuất bản nói chung và xuất khẩu sách ra nước ngoài nói riêng.

Bán bản quyền sách Việt ra nước ngoài còn nhiều thách thức

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2020, số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành là 300.000 bản, đạt 2,2 triệu USD.

Các xuất bản phẩm Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, các nước châu Âu (Anh, Pháp...) và một số nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...). Thông kê từ các đơn vị xuất bản, phát hành sách thì mỗi năm, trung bình một đơn vị có thể mua bản quyền đến hàng trăm tựa sách nước ngoài, nhưng số lượng sách trong nước được bán bản quyền vẫn ít ỏi. Trải qua thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch thì việc mua bản quyền sách nước ngoài đã giảm đi, thay vào đó việc bán bản quyền tác phẩm trong nước được đẩy mạnh phát triển.

Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Việt đã được xuất bản ra thế giới, tiêu biểu như: Truyện Kiều, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Dế Mèn phiêu lưu ký, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Cánh đồng bất tận, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ...Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài (tựa đề tiếng Anh Diary of a Cricket) đã được xuất bản tại trên 40 quốc gia từ những năm 1960, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.

Truyện Kiều được xuất bản tại nhiều quốc gia

Các nhà xuất bản cũng dần tạo được uy tín với đối tác để thực hiện bán bản quyền sách như nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng hay Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Bên cạnh đó, một số tác giả là nhà văn tên tuổi như: Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái… cũng hợp tác với các nhà xuất bản nước ngoài xuất bản tác phẩm của mình, nổi bật là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Năm 2020, Alpha Books đã xuất khẩu sang California 500 đầu sách Việt với số lượng khoảng 20.000 cuốn. Theo thông tin từ Alpha Books, đây là bước đi đầu tiên của dự án xuất khẩu sách Việt ra thế giới của đơn vị này. Công ty Chibooks cũng khởi động dự án Tủ sách văn hóa Việt nhằm chuyển ngữ các tác phẩm đến độc giả nước ngoài thuộc thể loại du ký, tạp văn về văn hóa, lịch sử, ẩm thực nhiều vùng miền như Vắt qua những ngàn mây, Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ, Nha Trang mùa đẹp nhất, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm,...

Bên cạnh việc xuất khẩu các tác phẩm kinh điển, các tác phẩm mới cũng được khai thác bản quyền. Ví dụ như nhà xuất bản Kim Đồng có sách tranh Lược sử nước Việt bán cho đối tác ở Trung Quốc và Hàn Quốc, Đúng là Tết - This is Tết bán cho Đức, Chang hoang dã - Gấu bán cho nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho năm nước, bao gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chang hoang dã được xuất bản tại nhiều nước (Nguồn: nxbkimdong.com.vn)

Tuy nhiên, tác phẩm nào cũng dễ dàng đưa tới bạn đọc nước ngoài bởi lý do các bản in sách chưa đạt chuẩn quốc tế, chưa đăng ký các chỉ số quốc tế. Tiêu chuẩn về giấy, mực in… chưa được coi trọng và quan trọng hơn cả là sách cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu, đưa sách ra nước ngoài.

Một số con đường cho xuất bản sách Việt ra nước ngoài

Tác giả tự giới thiệu, đưa bản thảo tới các nhà xuất bản nước ngoài

Đây là phương pháp vừa đơn giản lại vừa phức tạp. Trước hết, nó đơn giản vì tác giả hoàn toàn có thể tự tiến hành, tự quảng bá sản phẩm của mình tới đối tác nước ngoài qua các công cụ thư điện tử. Ví dụ như tác giả bộ sách “Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita”cho biết, đã trực tiếp gửi bản thảo bộ sách đến Nhà Xuất bản Olympia qua thư điện tử và nhận được phản hồi đồng ý phát hành trên toàn cầu. Đây là bộ sách song ngữ Việt - Anh gồm 5 tập, dạy các em nhỏ kỹ năng sống. Sách phát hành ở nước ngoài giữ nguyên phần lời tiếng Anh và hình ảnh minh họa trong bộ sách gốc do Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Tuy nhiên, cách thức này khó đảm bảo được chất lượng bản dịch, tính chuyên nghiệp, cũng như uy tín tác giả nhằm thuyết phục đối tác nước ngoài. Tác giả phải tiếp xúc với rất nhiều nhà xuất bản ở nước ngoài mới có thể đạt được thỏa thuận để ra mắt tác phẩm của mình.

Nhà xuất bản chuyển ngữ, xuất bản sách sang nước ngoài

Đây là cách thức phổ biến, được hầu hết các nhà xuất bản lựa chọn, nhưng để thực hiện nó là một quy trình rất khó khăn và cần nhiều sự nghiên cứu. Trước khi mang tác phẩm nội địa ra nước ngoài thì việc khảo sát nhu cầu độc giả và nghiên cứu thị trường, xu hướng văn hóa đọc tại nước đó là rất quan trọng. Từ đó, các nhà xuất bản có thể lựa chọn những đầu sách có nội dung phù hợp, đảm bảo đầu ra, đáp ứng gu thưởng thức của độc giả.

Gian quảng bá sách Việt tại Hội chợ sách quốc tế frankfurt (Ảnh: Báo An ninh thủ đô)

Giới thiệu sách Việt tại các buổi trao đổi, hội sách tổ chức tại nước ngoài

Trưng bày, quảng bá, giao lưu và tiếp thị sách tại các hội sách tại nước ngoài cũng là phương pháp hiệu quả để đẩy mạnh khai thác bản quyền. Đây là hướng đi thích hợp cho các nhà xuất bản muốn bán bản quyền sách Việt tới quốc tế, đặc biệt là những sân chơi lớn của thế giới thông qua các hội sách lớn Frankfurt tại Đức, America Expo tại Mỹ, hội sách London (Vương quốc Anh),  hội sách Bắc Kinh (Trung Quốc)…

Biện pháp tăng khả năng bán bản quyền sách ra nước ngoài

Nắm bắt xu hướng độc giả thị trường hướng tới

Từ công đoạn lựa chọn sách để quảng bá nhằm giới thiệu tới đối tác cho đến chuyển ngữ và xuất bản ra nước ngoài đều cần thực hiện bởi đội ngũ chuyên môn cao. Trong đó, việc thực hiện một cách hiệu quả hoạt động giới thiệu tác phẩm là vấn đề mang tính quyết định. Một đội ngũ biên tập viên có trình độ chuyên môn, kiến thức văn hóa phong phú, đa dạng cùng khả năng ngoại ngữ tốt là phương tiện cần thiết để lựa chọn và nắm bắt được xu hướng, yêu cầu của đọc giả nơi tiếp nhận các tác phẩm. Lẽ đương nhiên, không ai muốn lựa chọn và bán bản quyền sách có những mâu thuẫn, thậm chí trái ngược với văn hóa sở tại.

Biên tập viên cần chuyển tải nội dung đầu sách muốn giới thiệu một cách tốt nhất, cập nhật các xu hướng văn hóa, giải trí để đề xuất hỗ trợ sáng tạo các nhân vật cho phù hợp, có thể dịch thuật chính xác, sát nhất với nội dung bản gốc.

Tạo mối quan hệ hợp tác, niềm tin với đối tác giao dịch bản quyền nước ngoài

Kinh nghiệm lâu năm, uy tín và các mối quan hệ xuyên quốc gia là điều kiện thuận lợi để đội ngũ này chia sẻ các đầu sách hiệu quả đến các nhà xuất bản cũng như trong nội bộ mạng lưới của chính họ. Người đại diện giao dịch bản quyền chuyên nghiệp cũng sẽ đưa ra các ý kiến điều chỉnh phù hợp với từng cuốn sách để phù hợp với bạn đọc đặc thù của từng cộng đồng. Người có uy tín càng cao thì hiệu quả giới thiệu càng tốt vì nhà xuất bản đã biết đến họ, tin tưởng cuốn sách họ giới thiệu sẽ chinh phục được bạn đọc.

Chuyển ngữ chính xác, đảm bảo chất lượng tác phẩm

Việc chuyển ngữ với chất lượng cao, đảm bảo chính xác nhất nội dung, nét đặc sắc của tác phẩm cũng có tác dụng lớn trong việc chào bán dễ dàng và nhanh chóng hơn. Điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và phát triển hơn của các đơn vị khai thác bản quyền sách trong nước.

Áp dụng công nghệ vào hoạt động mua bán bản quyền sách

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19, khi mà nhiều hội sách quốc tế bị hủy thì việc khai thác các hình thức trao đổi, quảng bá trực tuyến được đẩy mạnh hơn. Do đó, đơn vị xuất bản, phát hành cần thích tiếp thu nhanh, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và nắm bắt thời cơ giao dịch với đối tác để thúc đẩy mua - bán bản quyền sách.

Ngoài việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho các đơn vị xuất bản, việc khai thác bản quyền sách còn là cách quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, khẳng định vị thế quốc gia.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

 Ngọc Hà

Banner Toan trang_Hoi nhap quoc te_VCOP
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!
Tin cùng chủ đề